Liên hệ với chúng tôi
Tìm tài sản (Có 1.035 tài sản đang giao dịch.)
 

Chóng mặt với tốc độ xây dựng các dự án BĐS “khủng” ở Phú Quốc

Ngày đăng: 25-08-2015 00:00
Mặc dù chi phí xây dựng trên đảo Phú Quốc cao gấp 15-20 lần so với đất liền, nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng quy mô lớn đang chạy đua để “đốt cháy” giai đoạn hoàn thành đưa vào sử dụng.


Sau khi Chính Phủ có quyết định phát triển Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế vào tháng 6/2014 và đến tháng 10/2014 Phú Quốc lên đô thị loại 2. Cùng với sân bay quốc tế Phú Quốc đi vào hoạt động, một loạt các dự án hạ tầng giao thông hoàn thiện với trục đường nam - bắc đảo rộng 6 làn xe, đường vòng quanh đảo, hệ thống cảng biển, điện lưới quốc gia . . .

Tiếp đó là các dự án lớn khách sạn 5 sao (giai đoạn 2), khu công viên Sarafi của tập đoàn Vingroup ở Bãi Dài, An Thới, Dương Đông, rồi Shells Resort tại Gành Gió của Tập đoàn Trần Thái, Grand World của tập đoàn Long Điền, dự án nghỉ dưỡng 100ha tại Bãi Khem của Sun Group . . . đã và sắp đưa vào hoạt động đồng nghĩa với cơ hội đầu tư vào Phú Quốc hấp dẫn hơn, đó cũng là lý do dẫn đến việc các nhà đầu tư ào ạt đổ tiền vào Phú Quốc khiến đất ở đây lên cơn sốt hơn bao giờ hết.

Thời gian gần đây, hoạt động mua bán – chuyển nhượng dự án trên đảo ngọc này cũng diễn ra khá rầm rồi khi một số nhà đầu tư lớn trong nước đã “thâu tóm” quỹ đất lớn chuẩn bị “tung” dự án mới. Theo đó, tập đoàn Sao Mai An Giang (ASM) vừa đặt cọc 200 tỷ đồng để mua khu đất có diện tích 20ha tại Dương Đông. Dự kiến, ASM sẽ đầu tư xây dựng một dự án khu du lịch, nghỉ dưỡng ngay tại Bãi Dài vào năm 2017.

Trước đó, CEO Group đã chuyển nhượng 1 lô đất mặt biển diện tích 2 ha cho một nhà đầu tư thứ cấp trong nước. Hiện CEO đang trong quá trình thương thảo, đàm phán với một nhà đầu tư thứ cấp khác để chuyển nhượng tiếp 1 lô mặt biển khác với quy mô 3 ha.

Theo khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy đảo Phú Quốc hiện nay toàn bộ đất chạy dọc bờ biển từ Nam – Bắc đang trở thành một “đại công trường” xây dựng. Do hai yếu tố quan trọng nhất là nguồn nhân công và vật liệu xây dựng đang thiếu trầm trọng trên đảo này, các chủ đầu tư phải tăng tốc đẩy nhanh thời gian xây dựng để đưa dự án đi vào hoạt động. Song song đó, nhiều con đường dẫn vào các khu du lịch cũng đang được tỉnh phối hợp cùng nhà đầu tư xây dựng ngày đêm.

Một nhà đầu tư cho biết: “Chi phí vận chuyển xây dựng luôn làm cho tổng vốn đầu tư dự án tăng cao, đặc biệt trong những tháng mùa mưa. Một chuyến phà 500 tấn vận chuyển vật liệu xây dựng như vậy chúng tôi mất hơn 70 triệu. Trong một ngày ít nhất phải có được từ 20 chuyến ra vào như vậy thì mới đủ nguồn vật liệu xây dựng”.

Theo nhận định của ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc công ty TNHH CBRE Việt Nam, khi sân bay quốc tế mới được mở ra tại Phú Quốc và Vingroup bắt đầu xây dựng các khách sạn lớn ở đây, rất nhiều công ty khác đã theo chân họ, mà điển hình là BIM Group với nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng tại đây. Tôi nghĩ rằng các chủ đầu tư đang để mắt đến toàn bộ thị trường, bất kể đó là Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang, Tp.HCM hay Cần Thơ, và họ đang chờ đợi xem cơ hội lớn tiếp theo sẽ là gì tại Phú Quốc. Do đó, bên cạnh các dự án lớn, vẫn có nhiều dự án chưa đi vào triển khai.

“Chúng ta sẽ chờ xem liệu chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng tôi đồng ý rằng số dự án được triển khai thực sự vẫn còn rất nhỏ so với tổng vốn đầu tư được bỏ ra. Tôi muốn xem thử liệu rằng đây có phải là một hiện tượng thật sự, cơ hội đầu cơ thực sự, và những dự án này liệu có trở thành những khách sạn, sân gôn hay biệt thự thực sự trong tương lai hay không. Tuy nhiên, chính các nhà đầu tư lớn đang kích thích dòng vốn đầu tư vào Phú Quốc từ các tập đoàn nhỏ hơn”, ông Marc Towsend nói.

Theo Trí thức trẻ
Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.