Liên hệ với chúng tôi
Tìm tài sản (Có 1.035 tài sản đang giao dịch.)
 

Tài Chính/Chứng Khoán - Doanh nghiệp bất động sản lời hay lỗ?

Ngày đăng: 04-03-2013 01:05

Bạn đang xem tin tức "Tài Chính/Chứng Khoán - Doanh nghiệp bất động sản lời hay lỗ?" được tổng hợp và đăng tải tại MLAND.COM

Trong khi phần lớn doanh nghiệp bất động sản đang vẫy vùng trong vô vọng thì trên thị trường xuất hiện thông tin cho rằng hơn 80% doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên TTCK vẫn có lãi, thậm chí lãi lớn trong năm 2012. Vậy đâu là sự thật?


Lời giả, lỗ thật


Thông tin này được thực hiện dựa trên 124 doanh nghiệp đang niêm yết trên 2 sàn CK là bất động sản, sắt thép, xi măng, xây dựng. Theo đó chỉ có 19 doanh nghiệp bị lỗ 2.541 tỷ đồng (chiếm chưa đến 15%), số doanh nghiệp có lãi là 105 doanh nghiệp với tổng lợi nhuận đạt 5.450 tỷ đồng.


Dẫn đầu là một tập đoàn lớn với lợi nhuận đạt 1.847 tỷ đồng. Các vị trí tiếp sau là CTCP Cơ điện lạnh (REE) với mức lãi ròng đạt 657 tỷ đồng và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) với lợi nhuận sau thuế đạt 351 tỷ đồng. Ngay khi bảng phân tích này được công bố, đã có nhiều ý kiến lên tiếng phản bác. Thậm chí, Bộ Xây dựng đã có buổi họp báo nhằm đính chính về thông tin này.


Theo ông Đỗ Đức Duy, Chánh văn phòng Bộ Xây dựng, lãnh đạo Bộ Xây dựng chưa bao giờ báo cáo trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về con số 80% doanh nghiệp bất động sản báo lãi, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng chưa bao giờ khẳng định 80% doanh nghiệp bất động sản có lãi trong năm 2012.

Tình trạng đóng băng thị trường bất động sản đã ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp trong và ngoài ngành.


Theo tài liệu báo cáo chính thức của Bộ Xây dựng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2013 ngày 16-1-2013 (lấy từ nguồn số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê), tính đến ngày 31-12-2012, tổng số doanh nghiệp ngành xây dựng đang hoạt động là 55.870 doanh nghiệp trong các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh như: xây dựng dân dụng và công nghiệp, xây dựng giao thông, xây dựng thủy lợi, thủy điện, hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản. Trong đó, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản là 7.848 (chiếm 14%). 


Trong năm 2012, số doanh nghiệp ngành xây dựng có lãi là 37.197, số doanh nghiệp thua lỗ là 17.000, tăng hơn 2.000 doanh nghiệp thua lỗ so với năm 2011. Thống kê cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ ngành xây dựng gia tăng mạnh trong các năm 2011 và 2012. Nếu như năm 2010 có 9.451/48.753 doanh nghiệp thua lỗ (chiếm 19,4%), thì đến năm 2011 có 14.998/48.733 doanh nghiệp thua lỗ (chiếm 30,8%) và năm 2012 có 17.000/55.870 doanh nghiệp thua lỗ (chiếm 30,4%). 


Đây là số liệu do các doanh nghiệp báo cáo, chưa qua kiểm toán nên chưa thể phản ánh hết thực trạng thua lỗ thực tế của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Đó là chưa kể đến 2.637 doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc giải thể trong năm 2012.


Điều đó cho thấy khó khăn chồng chất của các doanh nghiệp ngành xây dựng, nhất là các doanh nghiệp bất động sản do chịu tác động của tình trạng đóng băng thị trường bất động sản, ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp trong và ngoài ngành.


Có ý đồ xấu?


Thực tế, bản thống kê này khá lập lờ và tồn tại nhiều bất cập. Chẳng hạn, theo thống kê hơn 85% doanh nghiệp có lãi nhưng chỉ riêng lợi nhuận của tập đoàn nêu trên đã chiếm đến 1/3. Trong khi các doanh nghiệp còn lại chỉ là những con số lẻ, thậm chí có doanh nghiệp lời chỉ vài chục triệu đồng. Một nghịch lý nữa trong bảng thống kê này là việc đưa các doanh nghiệp mà hoạt động bất động sản chỉ là hoạt động phụ vào danh sách doanh nghiệp bất động sản. 


Đơn cử là trường hợp REE. Theo BCTC quý IV-2012 của doanh nghiệp này, tổng doanh thu thuần hợp nhất quý IV đạt 659 tỷ đồng (tăng 28%). Trong đó, doanh thu từ dịch vụ cung cấp thiết bị và lắp đặt đạt 448 tỷ đồng (tăng 40%), còn doanh thu từ hoạt động cho thuê bất động sản chỉ có 121 tỷ đồng. 


Ngay như trường hợp của HAG, doanh thu bất động sản ngày càng giảm và bản thân doanh nghiệp đã chủ động giảm dần việc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản từ nhiều năm nay.


Vậy mục đích của bảng thống kê này là gì? Theo nhận định của một số chuyên gia, thống kê này thực hiện có ý đồ “tô hồng” cho lĩnh vực bất động sản nhằm “tháo hàng” CP bất động sản mà một vài tổ chức lớn đang bị “kẹt hàng” giá cao. 


Đặc biệt, nếu không vì mục đích trục lợi trên TTCK thì việc tung ra thống kê kiểu này còn nhằm mục đích xấu, được Bộ Xây dựng lý giải: “Thông tin một số báo đưa về việc 80% doanh nghiệp bất động sản có lãi năm 2012 đã gây sự hiểu lầm cho dư luận về sức khỏe của các doanh nghiệp ngành xây dựng và bất động sản, tác động tiêu cực đến việc triển khai Nghị quyết 02 của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu”.

- Theo Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.