Liên hệ với chúng tôi
Tìm tài sản (Có 1.035 tài sản đang giao dịch.)
 

Văn Bản Pháp Luật - Bối rối với giá dịch vụ nhà chung cư

Ngày đăng: 22-01-2013 11:02

Bạn đang xem tin tức "Văn Bản Pháp Luật - Bối rối với giá dịch vụ nhà chung cư" được tổng hợp và đăng tải tại MLAND.COM

Ngày 21/1, Sở Xây dựng phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ bất động sản Savills tổ chức hội thảo với chủ đề: "Quản lý giá dịch vụ nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội".


Bài 1:  Để thị trường lên tiếng…


Qua hội thảo, điều khiến người ta quan tâm đặc biệt (và cũng có phần khiến người ta "giật mình") khi vỡ lẽ rằng những mâu thuẫn trong quản lý chung cư không chỉ xuất hiện trong quan hệ giữa người dân - chủ đầu tư (đơn vị quản lý, vận hành chung cư) mà còn xuất phát từ chính sự chưa thống nhất quan điểm giữa các cơ quan quản lý với nhau. 

Người dân và đơn vị quản lý Tòa nhà Keangnam Palace landmark đã nhiều lần xảy ra tranh cãi về giá dịch vụ.


Chọn… nhưng không thoải mái


Nói về công tác quản lý nhà chung cư, không địa phương nào nhiều kinh nghiệm như Hà Nội. Ngay cả đại diện của Bộ Xây dựng cũng cho biết, vì những tranh chấp phát sinh tại chung cư trên địa bàn Hà Nội mà cơ quan Bộ phải ban hành Thông tư 37 để điều chỉnh.


Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong việc xây dựng, thực hiện các chính sách để quản lý loại hình nhà ở này. Trên cơ sở thực tế khảo sát, điều tra các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề xuất 3 phương án cho việc xây dựng và ban hành giá dịch vụ nhà chung cư. Trong đó, Sở đã đưa ra phương án chọn là phương án 1 - Công bố giá dịch vụ nhà chung cư, kèm thông tin tham khảo. 


Phương án 1 nhận được sự đồng tình của ông Đỗ Thái Lưu, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Bộ Xây dựng). Ông Lưu cho rằng, nên khuyến khích người dân vào ở chung cư vừa văn minh, vừa tiết kiệm đất đai. Quản lý giá dịch vụ là một trong những vấn đề tạo tiền đề để người dân vào chung cư ở, không thể "buông". "Thời gian tới có thể sửa đổi luật, Nghị định liên quan đến vấn đề nhà ở, chung cư nhưng có sửa cũng vẫn theo hướng chính quyền phải quản lý, ban hành giá dịch vụ chung cư. Dịch vụ cho người dân mang tính công ích nên chính quyền cần có cơ chế để giảm chi phí, khuyến khích người dân vào ở chung cư" - ông Lưu nói.    


Mặc dù nhận được sự đồng tình của đại diện Bộ Xây dựng trong việc lựa chọn phương án 1, nhưng ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng vẫn băn khoăn, "thực lòng chưa thấy thoải mái trong việc lựa chọn này". 


Không thể dùng mệnh lệnh hành chính


Ông Nguyễn Quốc Tuấn thẳng thắn phân tích, Hiến pháp đã quy định rõ về quyền sở hữu, đó là quyền thiêng liêng và mỗi người phải chịu trách nhiệm về quyền sở hữu của mình. Không nên giữ quan điểm bao cấp. Việc Nhà nước bỏ tiền ra để bù cho chi phí quản lý chung cư là hoàn toàn chưa hợp lý. 

Khu chung cư CT5 Trung Hòa - Nhân Chính.

 

Nhà nước chỉ bù cho những đối tượng chính sách, gia đình thương binh, liệt sỹ, hộ nghèo, chứ không thể bù cho tất cả, cho cả những người có tiền mua nhà cao cấp. Nếu áp dụng việc Nhà nước bù cho giá dịch vụ quản lý chung cư là bất bình đẳng. 


"Về bản chất không phải chúng tôi đưa ra phương án 1 mà Sở Xây dựng đã trình UBND TP để xin ý kiến Bộ Xây dựng cho áp dụng khung giá dịch vụ, có đơn giá, có dự toán. Nhà nước đưa ra khung giá, còn tần suất sử dụng dịch vụ như thế nào, chất lượng ra sao, các bên (người dân và đơn vị quản lý) căn cứ vào đơn giá để thỏa thuận" - ông Tuấn nói.


Không phải là "phương án chọn", song phương án 2 mà Sở Xây dựng Hà Nội đã nêu trong báo cáo lại được sự đồng tình từ của nhiều đại biểu. Theo phương án này, chính quyền địa phương sẽ không quy định giá dịch vụ nhà chung cư. Đây cũng là phương án mà Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh kiến nghị được áp dụng. Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc ban hành giá dịch vụ nhà chung cư để khống chế mức trần theo Nghị định 71 là không cần thiết, không phù hợp với quy luật thị trường. Đây là giao dịch dân sự về sử dụng dịch vụ nhà chung cư, do đó giá dịch vụ là giá thỏa thuận.


"Mâu thuẫn" về quan điểm trong vấn đề giá dịch vụ nhà chung cư trở nên rõ nét hơn khi ông Đỗ Minh Sơn, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội cho rằng, Nhà nước phải quản lý, nhưng không thể dùng mệnh lệnh hành chính để giải quyết những vấn đề thuộc về thị trường. "Chúng ta đã cam kết tuân theo lộ trình công khai giá thương mại, dịch vụ khi gia nhập WTO. Vì vậy nên đưa ra tiêu chí để tính giá chứ không nên đưa ra giá trần. Ngay cả tố tụng trọng tài, tố tụng tại tòa án cũng phải tôn trọng yếu tố thỏa thuận. Mệnh lệnh hành chính trong quan hệ dân sự là không nên. Nền kinh tế thị trường phải tuân theo quy luật thị trường" - ông Sơn nói.

- Theo KTĐT

Bài viết được trích dẫn nguyên văn từ nguồn tham khảo (nếu có). Vui lòng Liên hệ với chúng tôi để báo cáo sai sót.