Vừa qua, tại lễ kỷ niệm một năm thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), JLL cho biết đã đến lúc ASEAN tỏa sáng và Việt Nam cần nắm lấy cơ hội này khi AEC bước vào năm thứ hai. Đặc biệt, đối với thị trường bất động sản Việt Nam đã bắt đầu có những động thái tăng lên.
Nhận định về AEC, ông Anthony Couse, Giám đốc điều hành JLL khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho rằng:
“Ngoài Malaysia và Singapore phải đối mặt với những thách thức trước sự tăng trưởng chậm. Thị trường bất động sản Việt Nam và nhiều quốc gia khác trong khu vực đang đối diện với những cơ hội và thách thức. AEC là một thị trường với 2,6 nghìn tỷ USD và 622 triệu người với nền kinh tế của ASEAN tiếp tục đạt mức tăng trưởng tốt. Trong đó có khoảng 5% mỗi năm so với tỉ lệ tăng trưởng toàn cầu là 3,52%/năm.”
Đặc biệt, trong năm nay Việt Nam đạt được những thành tựu, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 6%. Mới đây chính phủ đã đưa ra một số chính sách cải thiện, như áp dụng các quy định về tài chính mạnh mẽ hơn đối với các chủ đầu tư bất động sản cũng như việc nới lỏng các điều luật trong đầu tư nước ngoài, giúp quốc gia này trở thành một điểm đến ngày càng hấp dẫn, đặc biệt đối với các nhà đầu tư từ Singapore và Nhật Bản.
Dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam có thể đạt mức kỷ lục 15 tỷ USD trong năm nay. Riêng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đã đạt 983 triệu USD trong 10 tháng đầu năm 2016, đáng chú ý nhất là Tp. Hồ Chí Minh - trung tâm thương mại của đất nước. Tương lai không xa việc xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chiếm gần 657 ha và nằm về phía đông sông Sài Gòn sẽ được phát triển thành quận tài chính trung ương mới.
Tại buổi hội nghị, nhiều chuyên gia cũng nhân định, sự hình thành
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ mang đến những tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản văn phòng và bán lẻ khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó giá BĐS sẽ có sự biến động mạnh, theo một báo cáo mới đây của công ty tư vấn CBRE Việt Nam.
Việt Nam là một trong hai đất nước được đánh giá là thị trường tốt cho đầu tư Ảnh: Vinhome Central Park
Trong báo cáo nghiên cứu mới đây của CBRE, các chuyên gia của công ty này dự đoán nguồn cung – cầu không gian công nghiệp và văn phòng tại hầu hết các thị trường trong khối ASEAN sẽ tăng lên trong thời gian ngắn và trung hạn khi ngày càng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các công ty đa quốc gia được thành lập trong khu vực. Đặc biệt, ngành dịch vụ tài chính và pháp lý tại các thị trường mới nổi có thể đẩy mạnh trên cơ sở thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng và đề xuất tự do hóa thị trường vốn của khu vực.
Song song đó, thị trường kho vận đặc biệt được kỳ vọng sẽ có sự tăng trưởng và phát triển trong khối ASEAN, tạo điểm nhấn quan trọng trong kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và từng bước xóa bỏ hàng rào thuế quan giữa các nước thành viên của
Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Các nhà quan sát thị trường vẫn lạc quan về dòng vốn đổ vào bất động sản, dựa trên tài liệu chi tiết thu thập được tại cộng đồng ASEAN trong thập kỷ vừa qua. ASEAN ghi nhận tổng dòng vốn đầu tư vào bất động sản trong khu vực từ năm 2005 đến năm 2014 là 28,190 tỉ USD.
Trong vòng 5 năm gần đây, từ năm 2010 đến năm 2014, Trung Quốc giữ vị trí là nhà đầu tư hàng đầu vào thị trường ASEAN, chiếm 29% tổng vốn đầu tư với trị giá đầu tư lên đến 4,423 tỉ USD. Singapore đứng vị trí thứ hai với trị giá đầu tư là 4,268 tỉ USD, chiếm 28% tổng vốn đầu tư trong cùng giai đoạn. Cùng với việc gia tăng các khoản đầu tư xuyên biên giới vào thị trường ASEAN, có một bước dịch chuyển lớn trong việc phân bổ vốn đầu tư toàn cầu vào các nước thành viên trong những năm gần đây.
Nhiều nhà đầu tư đã nắm bắt được các thị trường mới nổi như Việt Nam và Philippines. Vì vậy, vốn đầu tư vào thị trường bất động sản khu vực ASEAN được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khi các nhà đầu tư đang tìm kiếm thị trường mới cho danh mục đầu tư bất động sản. Theo đà này, giá bất động sản tại những nước này sẽ có sự biến động mạnh trong thời gian tới, khi mà các nhà đầu tư cùng cạnh tranh để có được vị trí đầu tư tốt.